Đây là lần đầu tiên Việt Nam có đủ điều kiện về thiết bị kỹ thuật và sự hỗ trợ của công nghệ mới trong nghệ thuật thể hiện hiện đại bậc nhất thế giới.
Lúc 20h tối 12/5, lễ khai mạc SEA Games 31 do Việt Nam đăng cai diễn ra tại Sân vận động (SVĐ) Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội). Trong đó, có tiết mục rồng bay lượn với việc ứng dụng các công nghệ hiện đại.
Khán giả xem truyền hình được chiêm ngưỡng hình ảnh sống động khi chú rồng bay lượn từ tâm mặt sàn sân khấu (8.000m2) của SVĐ Mỹ Đình, cuộn tròn rồi bay lượn vòng quanh sân khấu và toàn bộ trên sân. Trong khi đó, với mắt thường, khán giả trên sân chỉ thấy chú rồng trên màn hình dựng của sân khấu (800m2).
Hình ảnh rồng bay lượn bằng công nghệ Mapping và các công nghệ thực tế ảo.
Theo thông báo báo chí của ban tổ chức SEA Games 31, đây là lần đầu tiên Việt Nam có đủ điều kiện về thiết bị kỹ thuật và sự hỗ trợ của công nghệ mới trong nghệ thuật thể hiện, công nghệ biểu diễn và trình diễn mang tính quảng trường, đại chúng, chủ động và thể hiện ưu việt các công nghệ trình chiếu:
– Hình ảnh đồ họa (Mapping);
– Thực tế ảo (Virtual Reality – VR);
– Thực tế ảo tăng cường (Augmented Reality – AR);
– Thực tế hỗn hợp (MR – Mixed Reality);
– Thực tế mở rộng (Extended Reality – EX).
Vậy các công nghệ nói trên được định nghĩa ra sao?
Mapping: Công nghệ trình chiếu Mapping là kỹ thuật sử dụng ánh sáng, hình ảnh để tạo ra các hiệu ứng 3D trên một bề mặt dù không bằng phẳng, đồng thời giúp các khối hình ảnh trong không gian ba chiều tương tác từ vật thể thật. Mapping mang đến những hiệu ứng ấn tượng cũng như dễ dàng truyền tải thông điệp, thu hút người tham dự.
Thực tế ảo (VR): Là một trải nghiệm mô phỏng có thể giống hoặc khác hoàn toàn với thế giới thực, nói cách khác là tạo ra một môi trường giả lập. Môi trường này được con người thiết kế qua các phần mềm chuyên dụng, và hiển thị trên TV, màn hình điện thoại, máy tính hoặc qua kính thực tế ảo (Oculus Rift, HTC Vive, Playstation VR…).
Thực tế ảo tăng cường (AR): Trong khi VR đưa người dùng đến với một thế giới ảo tách biệt hoàn toàn với thực tại, thì công nghệ AR lại giúp đưa các hình ảnh đồ họa (thông tin kỹ thuật số) vào trong thế giới thực để con người có thể nhìn bằng mắt thường. AR coi thế giới thực là trung tâm nhưng tăng cường thêm các chi tiết kỹ thuật số khác.
Thực tế ảo hỗn hợp (MR): Bao hàm của hai khái niệm VR và AR, giúp con người khám phá và liên kết với môi trường ảo và thực một cách liền mạch. Đối tượng ảo sẽ được định vị ở thế giới thực qua không gian sử dụng và tọa độ, để khi người dùng di chuyển về phía đối tượng ảo thì chúng sẽ lớn hơn và ngược lại. Di chuyển xung quanh sẽ cho phép người dùng tương tác với các đối tượng ảo như ở cùng một địa điểm. Hay có thể hiểu đơn giản, thực tế hỗn hợp giúp thiết lập trạng thái cảm giác của con người ở môi trường thực và tăng thêm tính ảo.
Thực tế ảo mở rộng (EX): Là thuật ngữ đề cập để tất cả đến các môi trường được kết hợp giữa thực và ảo, và các tương tác người – máy được tạo ra bởi công nghệ máy tính và các thiết bị đeo. Thuật ngữ này bao trùm lên cả VR, AR và MR, cũng như tất cả các “thực tế ảo” khác trong tương lai mà công nghệ có thể mang lại.
Thêm một số tiết mục trình diễn hình ảnh mãn nhãn bằng các công nghệ hiện đại khi xem qua màn hình TV:
Tre và lúa là hai hình ảnh gắn liền với đất nước, con người Việt Nam.
Hiệu ứng những cây tre xoay vòng đẹp mắt.
Thậm chí cả đàn cò bay khiến nhiều người xem lễ khai mạc SEA Games 31 qua màn hình TV phải trầm trồ.
Nguồn: http://danviet.vn/cac-cong-nghe-giup-rong-bay-luon-trong-le-khai-mac-sea-games-31-la-gi-502022125195240.htm